Nguyễn Thị Chi, GV Tổ Văn, trường THPT Kim Động

       Trong các công tác ở trường học, nếu có người hỏi tôi rằng: công việc nào vất vả nhất, công việc nào “nặng đầu nhất”, công việc nào mất nhiều thời gian nhất, công việc nào thú vị nhất thì tôi xin trả lời: công tác giáo viên chủ nhiệm (GVCN).

       Đây là một công tác rất đặc biệt. GVCN cùng một lúc phải đảm nhiệm nhiều vài trò: một hiệu trưởng nhỏ (trong việc quản lí, điều hành mọi hoạt động phong trào của lớp chủ nhiệm cho khoa học, hiệu quả, phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về những vấn đề diễn ra trong lớp mình), một cầu nối đa năng giữa gia đình, học sinh với nhà trường, một người bạn lớn, một người cha, một người mẹ thứ hai của các em và đôi khi cũng phải là một nghệ sĩ “thật ngầu”… Tức là cùng một lúc GVCN phải đóng nhiều vai trò mà vai trò nào cũng phải hoàn thành xuất sắc. Đây là một thử thách không nhỏ, nhưng đồng thời cũng là một môi trường tốt cho GV rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

       Để trở thành một GVCN giỏi không phải là điều đơn giản. Tôi nghĩ đó là một hành trình đầy kiên trì của hai phẩm chất quan trọng: tình thương và trách nhiệm. Muốn quản lý được lớp tốt, trước hết giáo viên phải nắm được đặc điểm cá tính, hoàn cảnh gia đình của học sinh, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của các em. Thứ hai, xây dựng một đội ngũ cán bộ lớp đắc lực (mà học trò vẫn gọi vui là theo phương châm của cụ Bá Kiến làng Vũ Đại “lấy thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò”). Thứ ba, tăng cường kết hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý các em. Thứ tư, GVCN tích cực sáng tạo trong việc xây dựng các phong trào thi đua của lớp (phong trào học tập, văn nghệ,…).

       Đối tượng chúng ta phải giáo dục là các em học sinh của thế kỉ XXI, không phải là các sĩ tử của thời cụ Khổng Tử, Mạnh Tử. Bởi vậy GVCN cũng phải là những con người năng động của thời đại mới. Có như vậy chúng ta mới có thể hiểu được tâm lý của các em, mong muốn của các em, từ đó có những tư vấn phù hợp, hợp lý, hiệu quả. Chúng ta vẫn giữ vững quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”, trước hết học làm người sau đó mới học chữ. Tuy nhiên theo tôi, cần bổ sung thêm quan điểm giáo dục mà GS Văn Như Cương đã có lần nhấn mạnh: “Có chí thỉ nên”. Điều này có nghĩa là GVCN và gia đình cần đưa tới cho các em một niềm tin, một hi vọng trong một xã hội có nhiều biến động và nhiều thước đo giá trị như bây giờ. Các em có nhiều con đường để lập thân, lập nghiệp mà không nhất thiết phải theo con đường đại học. Các em có thể làm nhiều việc khác nhau, thu nhập khác nhau nhưng các em phải luôn là người tử tế, tử tế trong công việc mình làm, tử tế với bản thân (bao hàm cả việc thành thật với chính mình), tử tế với mọi người, tử tế với chính những gì mà mình đang có. Hạnh phúc đối với người giáo viên rất giản dị, đó có thể chỉ là câu chào nho nhỏ của các em khi thầy cô đi qua, đó có có thể là ánh mắt chăm chú, say mê khi thầy cô giảng bài, đó là tiếng cười nói đầy hăm hở, nhiệt huyết của các em khi trở lại trường lấy bằng tốt nghiệp. Là một GVCN, có lẽ ai cũng mong các em có thể hiểu được điều đó.

       Với học sinh thời nay, khi phim tình cảm Hàn Quốc và các tiểu thuyết ngôn tình tràn lan thì không ai kém ai về những mơ mộng màu hồng, những ước vọng xa vời, những khao khát tình yêu chỉ có trên phim ảnh, giáo viên cần có sự quản lý và định hướng con đường đúng nhất, phù hợp nhất cho các em trên cơ sở sự hiểu biết, tình thương và tôn trọng nhân cách của học sinh.

       Câu chuyện của giáo viên chủ nhiệm còn dài với nhiều kỉ niệm, chiêu trò, nhiều điều dở khóc, dở cười. Lý thuyết về giáo dục nói chung, về chủ nhiệm nói riêng ngày càng nhiều lên như sự phát triển chóng mặt của công nghệ thời kì 4.0, đối tượng học sinh cũng ngày càng phức tạp như tình hình chính trị thế giới. Bởi vậy, trong bối cảnh mà nói vui là “thầy đồ cóc dạy yêu tinh học bài”, mỗi một thầy cô giáo lại có một phương pháp chủ nhiệm riêng, một bí kíp riêng phù hợp với học sinh của mình.

       Câu hỏi của cậu học trò trong giờ sinh hoạt sáng nay cứ khiến tôi băn khoăn: Làm thế nào cho ta của ngày hôm nay tốt hơn ta của ngày hôm qua ? Mùa thu sẽ trả lời cho em.

Nguyễn Thị Chi

GV Tổ Văn, trường THPT Kim Động