Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2019” là một hoạt động dành cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông trên toàn quốc nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi; từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kĩ năng đọc sách cho học sinh, một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và nhà trường.

Thực hiện công văn số 09/CV-TVT ngày 30 tháng 1 năm 2019 của Thư viện tỉnh Hưng Yên, trường THPT Kim Động đã phát động cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” trong toàn trường. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo của học sinh đến từ tất cả các khối lớp. Đến với cuộc thi, các bạn học sinh được thỏa sức tưởng tượng với những những câu chuyện viết tiếp, thỏa niềm yêu sách với những bài thơ đau đáu đam mê, hào hứng cùng những bài thuyết minh về cuốn sách mình yêu. Các bạn luôn khiến thầy cô đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác: nào những nét chữ tươi tắn, tròn trịa được viết cẩn thận, nào những hình vẽ sinh động, đáng yêu gửi gắm bao yêu thương, nào những câu chuyện song ngữ đầy tâm huyết của 1 nhóm các bạn trẻ lớp 10 với giấc mơ về 1 kênh Youtube chuyên về sách song ngữ cho học sinh tiểu học và THCS, nào những tâm sự chân thành về cuốn sách làm thay đổi suy nghĩ, cách nhìn của bản thân về cuộc sống,…

Không chỉ dừng lại ở tình yêu cá nhân, rất nhiều bạn đã có những hành động thiết thực nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách tới các bạn khác trong cộng động; điển hình như bạn Nguyễn Thị Linh Chi lớp 11A1 với vai trò là thành viên tích cực của fanpage “Điểm đọc Việt Nam – tỉnh Hưng Yên”. Trong tổng số 150 bài dự thi đến từ các lớp, các thầy cô đã chọn ra 3 bài thi xuất sắc nhất gửi dự thi cấp tỉnh.

Cuộc thi đã tạo nên một sân chơi bổ ích cho các em học sinh có cơ hội được thể hiện niềm đam mê, những ý tưởng sáng tạo của mình thông qua việc đọc sách và góp phần chia sẻ niềm đam mê đó tới cộng đồng.

Hy vọng các em học sinh trường THPT Kim Động luôn giữ được tình yêu với sách, người bạn đồng hành cùng ta trên mỗi chặng đường đời. Và đó cũng là một cách thức giúp ta nhận ra bản ngã của chính mình, như có lần nhà văn Jean-Paul Sartre đã tâm sự : “Trong một thời gian dài, tôi đã coi cây bút như một thanh kiếm. Giờ thì tôi hiểu sự bất lực của chúng ta. Nhưng không sao, tôi vẫn đang và sẽ làm ra những cuốn sách; phải như vậy.... Văn hóa không cứu được cái gì, không giải thoát được ai, văn hóa cũng không thanh minh hộ ta. Nhưng đó là sản phẩm của con người: ta soi vào nó và nhận ra bản thân; đó là tấm gương duy nhất có khả năng phán xét và tặng cho ta hình ảnh thật của chính mình”.

(Trích “Les mots”, tiểu thuyết, Jean-Paul Sartre)